Ba “con át” chủ bài đưa kinh tế Việt Nam vươn tầm
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định nhờ dòng vốn FDI dồi dào, quá trình công nghiệp hóa nhanh và sự phát triển của các phân khúc bất động sản, công nghiệp, bán lẻ và văn phòng.
Dòng vốn FDI – động lực phát triển chính của nền kinh tế
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã thu hút được 10,84 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Dòng vốn FDI này chủ yếu đổ vào các ngành sản xuất công nghiệp, bất động sản và năng lượng, với Singapore, Nhật Bản và Hong Kong là những nhà đầu tư lớn nhất.
Ông Jack Nguyễn, Tổng giám đốc InCorp Việt Nam, nhận định rằng Việt Nam đang trở thành điểm đến ưa thích cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng. “Nhiều khu công nghiệp mới đang được phát triển, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc, thu hút làn sóng các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển đến thiết lập chuỗi cung ứng của họ,” ông Jack nói.
Ngoài ra, ông Jack cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang đứng thứ ba trong khu vực ASEAN về thu hút FDI, chỉ sau Indonesia và Singapore, vượt qua cả Thái Lan và Malaysia. Lực lượng lao động trẻ của Việt Nam, với 67,5 triệu người trong độ tuổi lao động, là một lợi thế rõ rệt trong việc thu hút đầu tư, khi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tập trung vào việc tối ưu hóa năng suất và quản lý chi phí nhân sự.
Việt Nam thu hút mạnh vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: TTXVN
Công nghiệp hóa và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu
Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital, nhận định rằng quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng nhờ vào dòng vốn FDI, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và vị thế địa chính trị của Việt Nam là ba yếu tố then chốt thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Theo ông Michael, Việt Nam đã thành công trong việc duy trì mối quan hệ cân bằng với cả Mỹ và Trung Quốc, điều này mở ra nhiều cơ hội chiến lược về phát triển công nghiệp. “Hiện tại, Việt Nam vẫn ở giai đoạn nhập khẩu các chi tiết sản xuất công nghiệp phức tạp và sử dụng lao động giá rẻ để lắp ráp. Tuy nhiên, với sự gia tăng của FDI, Việt Nam đang học hỏi và bắt đầu tự sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn, tương tự như con đường phát triển của Nhật Bản và Hàn Quốc,” ông phân tích.
Một khu công nghiệp ở Binh Dương. Ảnh: Quỳnh Trần/VnExpress
Thị trường bất động sản công nghiệp và bán lẻ tăng trưởng mạnh
Trong bối cảnh dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam, thị trường bất động sản công nghiệp và bán lẻ đã hưởng lợi đáng kể. Ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, cho biết FDI đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của bất động sản công nghiệp. Theo báo cáo của Savills, Việt Nam hiện có 33.000 ha khu công nghiệp cho thuê, với tỷ lệ lấp đầy đạt 80%, chủ yếu ở khu vực phía Nam. Giá thuê bất động sản công nghiệp trung bình đã đạt mức 5,4 USD/m²/tháng. Các nhà kho và nhà xưởng xây sẵn là xu hướng nổi bật, thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư quốc tế.
Song song với đó, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng đã tạo động lực cho sự phát triển của thị trường bán lẻ. Nhiều dự án trung tâm thương mại quy mô lớn đã được khai trương tại các khu vực vùng ven, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Ông Neil nhận định rằng mặc dù chi tiêu nội địa có dấu hiệu chững lại, nhưng thị trường bất động sản bán lẻ cho thuê vẫn hoạt động tích cực, nhờ nguồn cung hạn chế. “Giá thuê tại các khu vực trung tâm dự kiến sẽ tăng cao trong thời gian tới, do nhu cầu mở rộng của các nhà bán lẻ,” ông nói thêm.
Thị trường văn phòng và triển vọng tăng trưởng bền vững
Ngoài ra, thị trường văn phòng cũng ghi nhận sự phát triển tích cực nhờ nền kinh tế ổn định và nhu cầu mở rộng từ các doanh nghiệp. Theo Savills, giá thuê văn phòng tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì ổn định, nhờ vào nguồn cung mới và sự tập trung vào các yếu tố bền vững.
Kinh tế phát triển sẽ tạo nhiều động lực cho bất động sản. Ảnh: VnExpress
Một nghiên cứu của Savills Impacts cũng chỉ ra rằng, TP.HCM và Hà Nội thuộc nhóm các thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, kiều hối chuyển về Việt Nam tiếp tục tăng, với khoảng 20% dòng kiều hối được đầu tư vào bất động sản, đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi thị trường bất động sản sau đại dịch.
Những động lực từ dòng vốn FDI, quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng và sự phát triển của tầng lớp trung lưu đang tạo nền móng vững chắc cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Các lĩnh vực như bất động sản công nghiệp, bán lẻ và văn phòng đều hưởng lợi từ các yếu tố này, hứa hẹn nhiều triển vọng tích cực trong thời gian tới.